Diến biến Chiến_dịch_tấn_công_Beograd

Quân đội Liên Xô và NOVJ tạo thế

Bản đồ diễn biến chiến dịch giải phóng Beograd từ 14 đến 20 tháng 10 năm 1944

Ngày 28 tháng 9, Quân đoàn bộ binh cận vệ 10 của tướng I. A. Robanyuk mở cuộc tấn công từ thượng nguồn sông Nera trên đất Romania vào Oravica (Oravita) thu hút một phần lớn lực lượng của Cụm tác chiến Felber sang hướng này. Ngày 2 tháng 10, Sư đoàn bộ binh 109 đánh chiếm thành phố Vrshats. Ngày 5 tháng 10, các sư đoàn bộ binh cận vệ 49, 59 và 86 đã quét sạch bờ tả ngạn sông Danub, đánh chiếm Bela - Tsrkva (Bela Crkva)và Pancevo, một đầu mối giao thông quan trọng trên bờ sông Danub, cách Beograd 15 km về phía Đông. Ngày 10 tháng 10, mũi tấn công chủ lực của Quân đoàn bộ binh cận vệ 10 đã tiến đến bờ sông Danub cùng với Giang đoàn Danub cơ động từ Berzaska (Berzasca) đến, uy hiếp phía Bắc Beograd. Tuy nhiên, những sự kiện chủ yếu của chiến dịch lại diễn ra trên biên giới Bulgaria - Serbia.[3]

Cùng ngày 28 tháng 9, Quân đoàn bộ binh 75 và cánh phải của Quân đoàn bộ binh 68 (Liên Xô) từ Brza-Palanka và tuyến sông Timok giáng hai đòn đột kích đồng quy vào hai bên sườn Cụm tác chiến quân đoàn "Stettner" (Đức) đang phòng ngự tại phía đông dãy núi Đông Serbia. Theo đúng kế hoạch phối hợp, các sư đoàn du kích Serbia 23 và 25 (NOVJ) đột kích vào các chốt phòng thủ của quân Đức trên dãy núi Đông Serbia, đánh chiếm các con đèo, cô lập Cụm tác chiến quân đoàn "Stettner" (Đức) tại phía Đông dãy núi này với các lực lượng khác của quân Đức tại Serbia. Ngày 4 tháng 10, các quân đoàn bộ binh 68 và 75 đã bao vây các lực lượng chủ yếu của Cụm tác chiến quân đoàn "Stettner" (Đức) tại khu vực Negotin - Ptubik (???). Gần 10.000 quân Đức và ngụy Serbia trong vòng vây bị tiêu diệt và bắt làm tù binh sau năm ngày chống cự. Con đường tiến qua dãy núi Đông Serbia đã được mở ra.[8]

Ở tuyến sông Morava và Nam Morava, Quân đoàn bộ binh 64 (Liên Xô) phối hợp với Sư đoàn Serbia 45 (NOVJ) từ hai hướng đối diện đánh chiếm Zaechar (Zajecar), Bolevac (Boljevac), Knijajevac (Knjazevac) bên sườn phía Tây dãy núi Đông Serbia, áp sát sông Morava, hình thành hai gọng kìm uy hiếp Cụm tác chiến Muller của quân Đức. Ngày 8 tháng 10, Sư đoàn bộ binh 19 (Liên Xô) và Sư đoàn Serbia 45 (NOVJ) đánh chiếm Zaechar, gần 1.600 quân Đức và quân ngụy Serbia bị bắt làm tù binh. Sau khi tuyến tấn công qua dãy núi Đông Serbia được khai thông, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô ra mệnh lệnh:

Tập đoàn quân 57 tiếp tục tấn công và chậm nhất là ngày 10 hoặc 11 tháng 10 năm 1944 phải đưa Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 vào chiến đấu để phát huy thắng lợi
— STAVKA.[9]
Lữ đoàn xe tăng cận vệ 36 (Liên Xô) xuất phát tấn công Beograd

Ngày 30 tháng 9, thống chế Maximilian von Weichs mở một cuộc phản công của 2 sư đoàn Đức và 1 sư đoàn ngụy Serbia từ Doni-Milanovo (Đọnii Milanovac) vào sau lựng Quân đoàn bộ binh 75. Tướng Kosa Popovic đã điều động Quân đoàn Vô sản 14 của NOVJ chặn đứng cuộc phản công này, đánh chiếm Klakochevats (Klokocevat) và Doni-Milanovo, đẩy quân Đức lùi về tuyến sông Pek. Trong quá trình phản công các sư đoàn thuộc Quân đoàn Vô Sản 1 (NOVJ) đã chiếm được các đầu cầu vượt sông ở Velika Plana, hiệp đồng với Quân đoàn bộ binh 75 (Liên Xô) tổ chức vượt sông Morava, đẩy lùi Quân đoàn bộ binh 34 (Đức) trong trận phản kích ngày 5 tháng 10 vào khu vực bàn đạp chiến lược này. Tại Nis, Tập đoàn quân 2 (Bulgaria) phối hợp với Sư đoàn Serbia 47 thuộc Quân đoàn 13 (NOVJ) từ bốn phía vây ép Sư đoàn bộ binh 7 SS (Đức) tại thành phố này. Cụm quân Đức - ngụy Serbia tại Leskovac cũng bị Sư đoàn Serbia 24 (NPVJ) và Sư đoàn bộ binh 6 (Bulgaria) tấn công. Ngày 10 tháng 10, Quân Đức buộc phải bỏ tuyến sông Nam Morava rút về phía Tây, sườn trái mũi đột kích chủ yếu của Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 (Liên Xô) vào Beograd đã được bảo đảm.[8]

Giải phóng Beograd

Trung tướng Liên Xô V. I. Zhdanov (phải) và Thượng tướng Nam Tư Peko Dapčević (trái) gặp nhau tại thủ đô Beograd vừa được giải phóng

Giai đoạn tổng tấn công giải phóng Beograd bắt đầu bằng các đòn đánh trực diện của Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 (Liên Xô) phối hợp với Quân đoàn Vô Sản 1 (NOVJ) vào khu vực Topola - Mladenovac. Quân đoàn bộ binh 68 (Liên Xô) cũng tổ chức vượt sông Morava ở Velika Popovic (Mali Popovic) có Lữ đoàn cơ giới độc lập 5 mở đường, ngày 13 tháng 10, Quân đoàn bộ binh 68 đã phối hộp với Sư đoàn xung kích 17 Đông Serbia và Sư đoàn Serbia 21 đánh bật Quân đoàn bộ binh 34 (Đức) khỏi Kragujevac và áp sát đầu mối đường sắt Cacak trên bờ sông Tây Morava. Ở cánh trái, Quân đoàn bộ binh 64 (Liên Xô) cũng phối hợp với các lữ đoàn du kích Kosovo tiến công Kralevo (Kraljevo). Bị kẹp giữa hai quân đoàn Liên Xô và 3 sư đoàn NOVJ, Quân đoàn bộ binh 34 (Đức) phải lùi về giữ Cacak và tuyến sông Tây Morava.[10]

Trên hướng Beograd, ngày 12 tháng 10, Lữ đoàn xe tăng cận vệ 36 và các lữ đoàn cơ giới cận vệ 14 và 15 tổ chức đột kích từ phía Nam Mladenovac dọc theo đường sắt lên phía Nam Beograd. Do bộ binh Nam Tư không theo kịp nên các xe tăng Liên Xô bị hỏa lực pháo chống tăng bắn thẳng của quân Đức gây một số thiệt hại. Ngày 14 tháng 10, sau khi các sư đoàn 1, 5 và 6 của Quân đoàn Vô Sản 1 (Nam Tư) đã tập kết tại Mladenovac, các xe tăng Liên Xô đã chở theo bộ binh Nam Tư tiếp tục tấn công. Trên sông Danub, Giang đoàn Danob (Liên Xô) đã triển khai 18 tàu tên lửa Katyusha. Ở phía Tây, các sư đoàn của Quân đoàn Xung kích 12 (NOVJ) cũng sẵn sàng tấn công vào thành phố. Trong khi đó, những lực lượng chủ yếu của Cụm tác chiến quân đoàn "Felber" (từ 13 tháng 10 năm 1944) lại tập trung binh lực ở Đông Nam Beograd để đón đợi cuộc đột kích của Quân đội Liên Xô và Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư trên hướng này.[5]

Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 3 không muốn tổ chức các trận đánh trong nội đô Beograd bởi quân Đức có thể dựa vào các công trình kiên cố tổ chức phòng thủ, buộc Quân đội Liên Xô và NOVJ phải tổ chức vây hãm Beograd và các trận đánh công kiến rất khó khăn và tốn kém sinh mạng, vũ khí, đạn dược. Những trận đánh như vậy thường để lại nhiều hậu quả tàn phá rất lớn cho thành phố. Bởi vậy, Nguyên soái F. I. Tolbukhin cùng với Nguyên Soái J. B. Tito hạ lệnh cho các đơn vị Liên Xô và NOVJ phải tiến vào thành phố càng nhanh càng tốt, không để cho Cụm tác chiến quân đoàn "Felber" kịp rút các lực lượng chủ yếu về phòng thủ trong nội đô Beograd.[11]

Người dân Beograd chào đón Hồng quân Liên Xô và Quân đội nhân dân Nam Tư vào giải phóng Beograd

Đêm 14 tháng 10, Lữ đoàn cơ giới 13 (Quân đoàn cơ giới cận vệ 4) và Lữ đoàn cơ giới độc lập 5 được lệnh rời khỏi hướng chính diện ở phía Nam Beograd. Lợi dụng đêm tối, hai lữ đoàn cơ giới bí mật di chuyển dọc sông Morava lên ngã ba sông Danub - Morava ở Smederevo, phối hợp với các tiểu đoàn hải quân đánh bộ của Giang đoàn Danub tấn công vào Umiara (???) trên sườn phía Đông cánh quân chủ lực của Cụm tác chiến quân đoàn "Felber" tại khu vực Koshtanica (???) - Smederevo. Đến ngày 17 tháng 10, tuyến phòng thủ của quân Đức tại Smederevo - Umiara đã nằm trong tay quân đội Liên Xô.[7]

Trong khi tướng Hans Felber đang bận đối phó với đòn tấn công từ phía Đông thì ngày 16 tháng 10, chủ lực Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 (Liên Xô) gồm Lữ đoàn xe tăng 36, các lữ đoàn cơ giới 14, 15, chủ lực Quân đoàn bộ binh 75 (Liên Xô) và các sư đoàn 1, 5, 6, 11, 16, 21, 28 và 36 (NOVJ) đã từ phía Tây và phía Nam đột kích thẳng vào Beograd. Hơn 20.000 quân Đức và ngụy Serbia của Cụm tác chiến quân đoàn "Felber" bị bao vây tại khu vực Koshtanica (Đông Nam Beograd). Quân Đức dựa vào các công trình phòng thủ chống trả quyết liệt. Các trận đánh tại khu vực pháo đài Kalemerdan diễn ra rất ác liệt. Đến chiều 16 tháng 10, Cụm tác chiến quân đoàn Felber (Đức) bị chia cắt thành ba mảnh. Tướng Hans Felber buộc phải tổ chức lại các cụm này nhưng các cuộc công kích liên tục của quân đội Liên Xô và NOVJ đã nhanh chóng phá vỡ kế hoạch đó. Ngày 17 tháng 10, tướng Hans Felber ra lệnh cho các viên tướng chỉ huy các cụm tác chiến "Wittman", "Hilebrant" và "Langrok" rút về phía Tây, dựa vào dãy núi Alava để chống cự. Tuy nhiên, đây lại là vùng hoạt động của Quân đoàn xung kích 12 (NOVJ) nên hầu hết tàn quân của các đơn vị Đức rút sang đây đều bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. 9 giờ sáng ngày 20 tháng 10, nhóm quân Đức cuối cùng tại Beograd phòng thủ ở pháo đài Kalemerdan hạ vũ khí đầu hàng. Cụm tác chiến quân đoàn "Felber" (Đức) bị xóa sổ. 1.287 ngày chiếm đóng của quân đội Đức Quốc xã tại Beograd đã kết thúc.[5]

Chiều 20 tháng 10 năm 1944, tại Beograd đã diễn ra cuộc mít tinh lớn mừng thành phố được giải phóng. Tối 20 tháng 10, Moskva bắn đại bác cấp 1, với 224 khẩu pháo đã tung 24 loạt pháo hoa lên bầu trời Moskva chúc mừng Quân đội Liên Xô và Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư đã giành lại Thủ đô Beograd.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Beograd http://www.vojska.net/eng/world-war-2/operation/be... http://www.znaci.net/00001/237_4.pdf http://www.znaci.net/00001/245_5.pdf http://militera.lib.ru/h/samsonov2/18.html http://militera.lib.ru/h/sovtankv/12.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/10.html http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/07.ht... http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/08.ht... http://militera.lib.ru/memo/russian/anoshin_is/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/chheidze/04.ht...